Nhà đất
2021-01-21 20:04:11

TDS - Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết “Không thể ép DN đầu tư nhà giá rẻ”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết HoREA tán thành ý kiến “không thể “ép” doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ”.

Hiện đang có tình trạng lệch pha cung cầu khi mà các doanh nghiệp tập trung làm bất động sản cao cấp /// Ảnh: Đình Sơn

Hiện đang có tình trạng lệch pha cung cầu khi mà các doanh nghiệp tập trung làm bất động sản cao cấp

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Theo ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), theo quy định của hệ thống pháp luật nước ta, thì không một tổ chức, cá nhân nào được quyền “ép” doanh nghiệp (tư nhân) phải đầu tư loại sản phẩm gì.

Không nên “để trứng vào một giỏ”

Trên thị trường bất động sản, quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ quy định pháp luật thể hiện rất rõ nét. Có những Tập đoàn và DN lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp. Điển hình như Công ty Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Vạn Phúc, Công ty Đại Quang Minh, Bitexco, Sơn Kim Land, City Land, Công ty Tiến Phước, Công ty Phát Đạt, Công ty Phú Long, Công ty SSG.

Đồng thời cũng có những Tập đoàn và DN lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp, nhà ở có giá vừa túi tiền, cả nhà ở xã hội như: như Tập đoàn Nam Long, Tập đoàn Him Lam, TTC Land, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm.

Ngoài ra, cũng có những Tập đoàn và DN lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp như: Tập đoàn Hưng Thịnh, C.T Group, Công ty Phúc Khang, Vietcomreal, Thủ Đức House.

Có những doanh nghiệp lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở trung cấp như: Công ty Hưng Lộc Phát, Công ty Phú Cường, Sài Gòn Res, Công ty Nhà Mơ, Công ty Phú Đông và cũng có DN lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội điển hình là Công ty Lê Thành, Công ty Vạn Thái, Công ty Thiên Phát…

Không thể chuyện “ép” doanh nghiệp làm nhà thương mại giá thấp - ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp không đầu tư vào phân khúc nhà thương mại giá rẻ vì không có lợi nhuận và nhiều rủi ro

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Ở đây, không có chuyện “ép” doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp (lại càng không phải là “ép doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ”) dự án nhà ở xã hội, mà phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi như phần trên đã nêu, có những Tập đoàn và doanh nghiệp đã lựa chọn, chỉ đầu tư vào phần khúc thị trường nhà ở cao cấp mà thôi. Đây là quyền tự chủ và tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong đầu tư kinh doanh, để giảm thiểu phần nào rủi ro, nhất là lúc thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng (như các thời điểm năm 2008-2009; năm 2011-2013), thì rất cần xem xét đầu tư theo phương thức “bỏ trứng vào nhiều giỏ”.

 Trước đó, trong Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản năm 2020, dự báo thị trường bất động sản năm 2021” gởi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Theo nghiên cứu của Hiệp hội này, trên thực tế thì phân khúc nhà ở cao cấp có thể chiếm đến tỷ lệ khoảng 70%, chiếm thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên dưới 25% tổng số nhà ở. Từ con số trên, HoRea bày tỏ quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn năm 2020 và cho rằng đây là chỉ dấu cho thấy rõ sự “lệch pha” sản phẩm trên thị trường bất động sản, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp. Trong lúc rất thiếu sản phẩm nhà ở
thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, dẫn đến sự phát triển của thị trường bất động sản thiếu tính ổn định, bền vững. "Sở dĩ có sự chênh lệch giữa số liệu thống kê của Sở Xây dựng với thực tế, bởi lẽ, khi trình dự án lên Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thường kê khai mức giá bán thấp, nhưng đến khi huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì chủ đầu tư bán nhà với mức giá cao hơn, thậm chí có mức giá nhà ở cao cấp". 

Từ nhận định đó, HoRea "Đề nghị các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng Nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư". 

Sẽ có nhà thương mại không quá 20 triệu đồng/m2

Trong báo cáo tổng kết 5 năm (2016-2020), Bộ Xây dựng đã nhận định một số hạn chế, tồn tại của thị trường bất động sản, như sau: “Vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra), nhà ở thương mại giá thấp”.

Đồng thời, Bộ Xây dựng định hướng phát triển thị trường bất động sản giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản, đổi mới, bổ sung cơ chế chính sách, công cụ quản lý để kiểm soát, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, hiệu quả; thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn và vùng thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai.

Đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ...

Không thể chuyện “ép” doanh nghiệp làm nhà thương mại giá thấp - ảnh 2

Đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia làm nhà thương mại giá rẻ

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Ông Châu, cho biết Bộ Xây dựng đang dự thảo và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp”, với một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, về tín dụng (bằng khoảng phân nửa mức chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội) và về thời hạn hoàn thành nộp tiền sử dụng đất dự án, để có thể có được sản phẩm căn hộ “nhà ở thương mại giá thấp” với mức giá khoảng tối đa không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt, không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1 và không quá 20 triệu đồng/m2 tại các tỉnh còn lại.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đang trình dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Tất cả các định hướng về chỉnh trang phát triển đô thị, phát triển nhà ở này sẽ hình thành nguồn cung dự án nhà ở và sản phẩm nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội rất lớn tại các địa phương và cũng là một phân khúc thị trường bất động sản đầy tiềm năng, mà các Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản cần xem xét để nắm bắt cơ hội để đầu tư kinh doanh, vì vừa vẫn đảm bảo được lợi nhuận (dù không cao bằng đầu tư dự án nhà ở cao cấp), vừa ít rủi ro, vừa góp phần chia sẻ với cộng đồng xã hội.

 

Theo Đình Sơn

Thanh niên Online

 

Tags: HoREA, Thị Trường Bất Động Sản, Bất Động Sản Cao Cấp, Nhà Đất, Bộ Xây Dựng, ,