Văn hóa
2020-10-27 17:16:46

TDS - Sao lại gọi là Bà Quẹo? Tại sao tháp nước bên đường Điện Biên Phủ lại có hình phi thuyền Apollo? Con đường có lá me bay là đường nào?… Sài Gòn vừa lạ vừa quen, đi xa thì nhớ, mà ở gần càng thương…

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 1: Nhớ lắm Trường Nguyễn Thượng Hiền - Ảnh 1.

Trường Nguyễn Thượng Hiền niên học 1972-1973 - Ảnh: BÙI HỌA

Không có lịch sử lâu đời như Trường Nữ sinh Áo Tím, Gia Long - Nguyễn Thị Minh Khai, cũng không quá danh tiếng như Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong, nhưng trường Nguyễn Thượng Hiền vẫn là sự ngưỡng vọng của nhiều thế hệ học sinh Sài Gòn.

Trường 3 lần đổi tên

Ít ai biết rằng ngôi trường cấp III ở ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) này khởi phát từ một trường trung học đệ nhất cấp. Năm 1969, niên khóa đầu tiên của Trường trung học Tân Bình được khai giảng tạm tại Trường tư thục Nhân Văn (nay là Trường tiểu học Bành Văn Trân).

Năm sau, khi chính thức có "nhà" tại số 544 đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng 8, Q.Tân Bình), thầy trò Trường trung học Tân Bình đã dọn về ngôi trường có một dãy lầu 2 tầng, gồm 12 phòng, kể cả khu hành chính. 

Đến năm học 1972-1973, sau khi xây thêm dãy lầu bên phải, trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp (cấp III), rồi chính thức đổi tên thành Trường Nguyễn Thượng Hiền vào năm học sau đó. Đến năm 1987, theo dòng chảy lịch sử, trường được đổi tên thành Nguyễn Văn Trỗi, nhưng sang năm 1990 lại trở về với tên Nguyễn Thượng Hiền như xưa.

Trong ký ức của những cựu học sinh hiện đã U70, trường ban đầu chỉ có khu A (phần diện tích đất phía cổng Cách Mạng Tháng 8 hiện nay), phần đất của trường ngay góc đường Lê Văn Duyệt trước là một Cuộc Cảnh sát, phía sau trường là khu trại lính Đại Hàn.

Vào năm 1973, sau Hiệp định Paris, lính Đại Hàn rút quân, trường được giao cho sử dụng phần đất khu B (phần diện tích đất ở cổng đường Võ Tánh (Hoàng Văn Thụ ngày nay) với dãy nhà vòm mái tôn mà mùa nóng học sinh muốn chảy mỡ, mùa mưa học sinh mừng vì được nghỉ học do mưa lớn, không… nghe được tiếng thầy cô giảng. 

Đất trống phía sau trường là một đồng cỏ, vũng nước và những cây bạch đàn được các thầy cô sống trong khu B của trường tận dụng nuôi bò, nuôi heo, cải thiện đời sống khi đất nước còn khó khăn. Sau 1975, trường dần cải tạo khu đất này bằng những giờ cho học sinh đi lao động trồng cây.

Do là trường công nên ngay từ năm học đầu tiên, học sinh muốn vào trường phải qua thi tuyển. "Điểm tuyển thi đầu vào của trường rất cao, phải là học sinh giỏi mới đậu vô trường nên đến khi thi tốt nghiệp tỉ lệ đậu cũng đạt khoảng 100%. Nhờ đó mà về sau trường có danh tiếng trong đào tạo học sinh" - bà Trần Thị Tuyết Oanh, một học sinh khóa đầu tiên của trường, nhớ lại.

Không chỉ "siết" đầu vào, trường cũng có quy chế kỷ luật nghiêm với học trò bao đời nay được xếp hạng chỉ sau… "quỷ và ma". Nữ sinh mặc áo dài không được xẻ cao quá eo và phải mặc áo lá; nam sinh không được mặc áo hở nút, giày sandal phải mang quai hậu…

Cứ vài tháng trường lại có đợt kiểm tra tập sách học sinh. Ai là cựu học sinh của trường hẳn sẽ nhớ những buổi giám thị đi kiểm tra tập sách của lớp. 

"Hồi xưa đi học ngoan lắm, kính sợ thầy cô, nhưng học trò thời nào mà không quậy phá nên cũng bị phạt chứ. Chép phạt, rồi bị phạt đứng dưới cột cờ và có cả cấm túc luôn... Nhưng bị phạt xong học trò vẫn yêu quý thầy cô, chứ không ghét hay ấm ức trong bụng" - ông Bùi Họa, cựu học sinh Nguyễn Thượng Hiền, niên khóa 1978, kể lại những năm học tại trường.

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 1: Nhớ lắm Trường Nguyễn Thượng Hiền - Ảnh 2.

Giờ sinh hoạt dưới cờ của học sinh Nguyễn Thượng Hiền, bên kia đường là Bệnh viện Vì Dân (Bệnh viện Thống Nhất) - Ảnh: BÙI HỌA

Những thầy cô in dấu

Nhắc đến thầy cô của mình, những cựu học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền thuở ban đầu vẫn không giấu vẻ tự hào. Hình ảnh và phong cách của các giáo sư đại thụ ngành giáo dục như Nguyễn Đình Chung Song, Đinh Văn Lô, Văn Đức Kim, Đinh Công Hoạt, Bùi Mỹ Dương, Lê Thị Túy Đại (vợ giáo sư Chung Song)... vẫn còn đậm nét trong lòng những cô cậu học trò dù đã 50 năm qua. 

"Các giáo sư ngày xưa mẫu mực, nghiêm lắm và dạy học trò rất có tâm nên dù không có ngày 20-11 nhưng đến ngày lễ tết học trò vẫn đến nhà thầy cô chơi, còn được thầy cô nấu cơm cho ăn nữa" - bà Tuyết Oanh xúc động kể lại.

Đến giờ, học sinh Trường Nguyễn Thượng Hiền khóa 1982-1985 vẫn nhớ mãi câu chuyện đứa học trò mặc áo xanh suốt 3 năm. Đó là cái thời cả nước khó khăn, thầy cô nhiều người còn đi xe đạp mòn bánh. Sau giờ dạy, nhiều thầy cô phải làm bánh, may gia công, chăn nuôi, thậm chí ngồi vá xe đạp ở vỉa hè... để cải thiện thu nhập. 

Trường quy định học sinh chỉ cần mặc áo trắng vào buổi sáng thứ hai để chào cờ. Tất cả đều cố gắng thực hiện, riêng chỉ có trò Lê Minh Tuấn (A11) thì mặc áo xanh như bộ đội vào ngày đó. Thấy đứa học trò thường xuyên "kháng lệnh" trường, thầy chủ nhiệm cho học trò lên "uống nước trà" cùng thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Nghi.

Lên gặp thầy hiệu trưởng, trò Tuấn lúng túng giải thích do ba mình là bộ đội, mẹ là thương binh, sức khỏe yếu nhưng vẫn nhận may gia công đồ bộ đội. Do không có tiền mua áo trắng mà dư áo từ đồ may gia công nên người mẹ tận dụng cho con mặc đi học. Nghe trò kể hoàn cảnh, thầy hiệu trưởng "đặc cách" cho học sinh này được mặc áo xanh vào ngày đầu tuần kể từ đó.

 

Xa trường mà lòng lưu luyến nhớ

Rất nhiều học trò của trường ngày nay thành nhân, thành tài nhờ sự giáo dục, giúp đỡ của thầy cô, dù các thầy cô đó không trực tiếp dạy mình. Vào đầu thập niên 1990, tôi cũng là một đứa học trò được "đặc cách". 

Vì gia cảnh nghèo, mẹ tôi làm đơn xin trường cho con mình được miễn giảm tiền học phí. Kết quả là suốt 3 năm đi học tại trường, tôi được miễn học phí, dù học phí hệ B lúc đó nhiều hơn hệ A. Mà nói là hệ B nhưng chương trình học của hệ B không khác gì hệ A, thậm chí các thầy cô giám thị còn quan tâm "đặc biệt" đến đám hệ B nhiều hơn vì nghĩ chúng quậy phá hơn.

Để được vào Trường Nguyễn Thượng Hiền không phải là dễ nên đứa nào trong lớp cũng phải cố gắng học hành đàng hoàng, không để bị ghi sổ đầu bài, bị mời phụ huynh. Giờ ra chơi "quậy lắm" thì đám con gái cột áo dài lên, chơi rượt bắt trong lớp mà mắt vẫn phải liếc ra cửa canh thầy Thịnh, cô Hà vì lớp cách phòng giám thị chỉ 10 bước chân. 

Thỉnh thoảng lớp nổi hứng rủ nhau đi chơi xa, dù ngày đó là ngày 20-11, cả trường tổ chức lễ. Để rồi hôm sau cả lớp bị phạt đứng phơi nắng dưới sân trường, mà đến giờ nhắc lại cô giáo Xuân vẫn còn giận "đám quỷ" A13 năm nào.

Nửa thế kỷ đã trôi qua. Trường Nguyễn Thượng Hiền như vẫn mới với cánh cổng đã khác xưa. Khu B giờ đã được mở rộng, nâng cấp, với nhà thi đấu thể thao, sân bóng đá, hồ bơi có mái che... hiện đại hàng đầu trong các trường ở thành phố. Bao lứa học trò đã rời xa trường lớp nhưng lòng vẫn lưu luyến nhớ kỷ niệm năm nào dù chỉ một thoáng đi qua ngã tư Bảy Hiền.

Đầu đã bạc vẫn như cậu học trò xưa

Thầy cô năm nào giờ đã nghỉ hưu, nhớ nhớ quên quên chuyện cũ, nhưng mắt vẫn rưng rưng khi nghe nhắc đến ngôi trường và học trò thân yêu. Tuổi trường đã nửa thế kỷ rồi, nhưng vẫn như mới đây khi lứa học trò thuở đầu, tóc bạc phơ, vẫn nhộn nhạo "mày mày, tao tao" như ngày xưa đi học và những mùa hoa phượng về…

Bao người Sài Gòn quá rành rẽ địa danh Bà Quẹo, nhưng mấy ai biết Bà Quẹo là… Bà Quẹo nào?

Kỳ tới: Bà Quẹo là Bà Quẹo nào?

 

Theo Tuổi trẻ Online
https://tuoitre.vn/sai-gon-nho-nho-thuong-thuong-ky-1-nho-lam-truong-nguyen-thuong-hien-2020102609435843.htm

 

Tags: Nguyễn Thượng Hiền, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Sài Gòn, ,